TIN TỨC
 
Ví điện tử và "cuộc chiến" giành thế chân kiềng

Thị trường hiện có đến gần 10 ví điện tử và nhiều cổng thanh toán đang hoạt động... Tuy nhiên các chuyên gia dự báo sẽ có "cuộc chiến" giữa các ví điện tử đến khi thị trường chỉ còn lại 3 đơn vị giữ thế chân kiềng.

"Cuộc chiến" giành thế chân kiềng

Nói đến thanh toán điện tử, nhiều người tiêu dùng liên tưởng ngay đến mua bán hàng hóa trên các website hoặc trong các giao dịch giữa các tổ chức với nhau. Thực ra, thanh toán điện tử có thể sử dụng trong nhiều hoạt động của cuộc sống như: trả cước điện thoại, truyền hình cáp, internet, điện, nước, mua thực phẩm, vé tàu xe… Theo ông Đặng Mạnh Phổ, Ngân hàng BIDV, thanh toán điện tử là sử dụng các phương tiện điện tử (máy tính, điện thoại, POS,…). Và thống kê của các chuyên gia cho thấy, thời gian giao dịch qua Internet chỉ bằng 70% giao dịch qua fax và bằng 5% giao dịch qua bưu điện.

Giao dịch qua Internet chỉ bằng 70% so với giao dịch qua fax, 5% so với giao dịch qua bưu điện

Không chỉ tiện lợi, tiết kiệm thời gian, thanh toán điện tử còn giúp tiết kiệm tiền bạc. Để khuyến khích người dùng hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, các nhà cung cấp dịch vụ có hình thức chiết khấu. Chẳng hạn, với cước điện thoại, nếu mua thẻ trả trước hoặc thanh toán cước trả sau qua cổng thanh toán VTC paygate, có thể giảm trung bình 7% (nhà mạng có thể chiết khấu cao hơn hay thấp hơn số này một ít) so với hình thức thanh toán truyền thống. Như vậy tiền điện của gia đình khi thanh toán bằng cách này, cứ 1 triệu đồng tiết kiệm được 70.000 đồng.

Thậm chí, nhiều đại lý bán sim thẻ cũng tham gia mua hàng qua mạng bởi tỉ lệ chiết khấu cao (từ 10 đến 30 triệu đồng/ngày được thưởng 0,25%). Hay khi thanh toán cho các hóa đơn mua hàng qua website Ngân lượng, người tiêu dùng cũng tiết kiệm được từ 10 – 15%.

Đối với người tiêu dùng, cân nhắc sử dụng dịch vụ của đơn vị nào không dễ dàng. Để thanh toán cho các sản phẩm là nội dung số, họ có thể chọn VTC Paygate; với việc mua bán hàng hóa qua mạng, họ có thể chọn thanh toán thông qua Bảo Kim, Ngân Lượng… 

Ngoài việc hỗ trợ thanh toán trung gian, các ví điện tử còn cung cấp thêm một số các tiện ích như thanh toán tạm giữ (phòng trường hợp người bán giao hàng không đúng như mô tả tiền có thể trả lại người mua); bảo hiểm giao dịch (bên thanh toán trung gian sẽ bồi thường trong trường hợp người mua bị lừa đảo)…

Theo các chuyên gia, "cuộc chiến" thu hút người dùng giữa các ví điện tử sẽ tiếp diễn cho đến khi thị trường chỉ còn lại 3 đơn vị giữ thế chân kiềng.

Chờ giấy phép chính thức

Thanh toán điện tử hay thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của một xã hội hiện đại và tiện nghi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Trung tâm Thanh toán điện tử, Công ty VTC: "thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam còn rất nhỏ bé" (nghĩa là số người sử dụng hình thức thanh toán này chưa nhiều – PV). Hiện tại, thế mạnh đang thuộc về các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có sẵn cộng đồng người dùng. Với nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thuần túy có đôi chút khó khăn do họ không có cộng đồng và dịch vụ đi kèm.

Mặt khác, giấy phép chính thức cho dịch vụ ví điện tử chưa được cấp (tất cả các ví điện tử hiện nay đều hoạt động theo giấy phép thử nghiệm). Dù vậy, số nhà cung cấp tham gia thị trường này vẫn phát triển. Đơn vị nào cũng muốn có ví điện tử của riêng mình. Tính từ năm 2008, khi ví điện tử Mobivi xuất hiện đầu tiên, đến nay, thị trường đã có gần 10 ví điện tử của đầy đủ các thành phần từ các mạng viễn thông di động (Vinaphone), doanh nghiệp nội dung số (VTC, FPT), công ty thương mại điện tử (Vật Giá, Chợ Điện Tử) đến ngân hàng (Vietinbank, Liên Việt), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán thuần túy (Payoo, Mobivi)…

Tuy là dịch vụ thử nghiệm nhưng các ví điện tử đều phải đảm bảo cân đối tài khoản giữa số tiền tạm giữ của khách hàng với tài khoản của đơn vị cung cấp dịch vụ ở một ngân hàng trung gian. Do đó, người tiêu dùng không nên lo lắng nhiều về điều này. Điều mong mỏi của các nhà cung cấp ví điện tử hiện nay là dịch vụ này sớm được cấp phép chính thức, hoàn thiện hành lang pháp lý để nhà cung cấp yên tâm phát triển tiện ích phục vụ người dùng.

Thanh toán qua thiết bị di động sẽ phát triển...

Hiện nay, để sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử, người tiêu dùng phải thông qua các ví điện tử, cổng thanh toán trung gian (thường là website) hoặc thiết bị POS. Nhưng theo ông Nguyễn Thành Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), “thiết bị di động thông minh kết nối Internet phát triển nhanh và nhiều sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trên điện thoại di động”.

Người tiêu dùng cũng không còn phải chờ đợi lâu, vì các mạng di động đều đang có kế hoạch tham gia thị trường này. Đơn cử như MobiFone chuẩn bị hợp tác với Vietpay cho ra mắt sim đa năng MobiTech; Viettel cũng sẽ sớm ra mắt smart sim...

Theo PCW


CÁC TIN KHÁC:
•   Facebook dự định bán cổ phiếu ra thị trường lần đầu tiên
•   3 xu hướng thương mại điện tử Việt Nam năm 2012
•   Công bố 10 sự kiện CNTT-TT năm 2011
•   9 "điểm nóng" của làng công nghệ năm 2011
•   10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2011
•   Nhà đăng kí tên miền lớn nhất thế giới đã đổi chủ
•   Microsoft bí mật chuyển nhượng domain name Do.com
Xem tất cả